Tuần 39
Em bé phát triển như thế nào?
Em bé của bạn đang chờ đợi được chào đón thế giới! Bé tiếp tục tích một lớp mỡ để giúp kiểm soát thân nhiệt sau khi sinh ra, hiện tại, bé có thể đã đạt khoảng 50.8cm chiều dài và nặng khoảng 3.2kg, tương đương kích thước của một quả dưa hấu nhỏ. (Các bé trai có xu hướng hơi nặng hơn so với các bé gái). Lớp da bên ngoài đang bong ra, trong khi lớp da mới đang hình thành bên dưới.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Trong mỗi lần khám hàng tuần, bác sĩ sẽ khám bụng của bạn để kiểm tra sự tăng trưởng và vị trí của bé. Bác sĩ có thể cũng kiểm tra xem cổ tử cung của bạn đã bắt đầu chín: độ mềm, mỏng, và độ mở. Nhưng ngay cả khi đã có những thông tin này, vẫn không có cách nào để bác sĩ dự đoán chính xác được khi nào em bé sẽ ra đời. Nếu bạn đã qua ngày dự sinh, bác sĩ sẽ lên kế hoạch kiểm tra thai (thường là siêu âm) sau 40 tuần để đảm bảo rằng việc tiếp tục thai kỳ là an toàn. Nếu bạn không tự chuyển dạ, hầu hết các bác sĩ sẽ kích thích chuyển dạ vào một đến hai tuần sau ngày dự sinh – hoặc sớm hơn nếu có dấu hiệu cho thấy việc tiếp tục chờ đợi sẽ gây nguy cơ lớn hơn so với không chờ đợi nữa.
Trong khi đang chờ đợi, điều quan trọng là bạn phải tiếp tục chú ý đến những chuyển động của bé và báo cho bác sĩ biết ngay nếu những chuyển động ấy có vẻ giảm đi. Bé vẫn nên duy trì hoạt động cho đến khi sinh, và việc giảm hoạt động đáng kể có thể là dấu hiệu của một vấn đề. Cũng hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng có thể bạn đã bị vỡ ối. Các trường hợp màng ối vỡ trước khi chuyển dạ chiếm khoảng 8%. Đôi khi dịch ối sẽ tuôn ra ào ạt, nhưng cũng có khi chỉ rỉ ra từ từ. (Đừng cố gắng tự chẩn đoán cho mình. Hãy gọi ngay cho bác sĩ kể cả khi bạn chỉ nghi ngờ có rò rỉ nước ối). Nếu bạn bị vỡ màng ối và không tự bắt đầu co thắt, các bác sĩ sẽ kích chuyển dạ cho bạn.
Cơ thể bạn thay đổi như thế nào sau khi sinh?
Ngay cả khi quá trình chuyển dạ và sinh nở của bạn đã diễn ra nhanh chóng và dễ dàng, thì cũng phải cần một thời gian để bạn có thể cảm thấy mình trở lại như trước. Có thể sẽ khó khăn, nhưng hãy nhớ rằng phải mất chín tháng để bạn như bây giờ, vì vậy bạn sẽ không thể trở lại như trước – cả về cảm xúc hay thể chất – chỉ qua một đêm được.
Bạn có thể mong đợi gì từ cơ thể mình:
- Bạn sẽ bắt đầu giảm cân ngay lập tức. Mặc dù bạn phải mất một thời gian để cân nặng trở về như trước khi mang thai, nhưng hầu hết phụ nữ giảm khoảng hơn 5kg sau khi sinh một em bé 3-4kg và mất khoảng 450-900 gram nhau thai và 900 gram nữa gồm máu và nước ối. Mặc dù sẽ mất một thời gian cho cơ thể bạn lấy lại vóc dáng như trước khi mang thai – chiếc bụng bầu có thể ở lại lâu hơn bạn muốn – vào cuối tuần đầu tiên, bạn có thể mất khoảng 1.8kg nước trong cơ thể.
- Bạn sẽ xả sản dịch. Sau khi em bé được sinh ra, các tế bào hình thành nên lớp niêm mạc tử cung bắt đầu bong ra. Và kết quả là đợt xả dịch kéo dài trong nhiều tuần. Lúc đầu, dịch xả này có lẫn máu nên nó có màu đỏ tươi giống kinh nguyệt, sau đó nó nhạt màu dần và cuối cùng chuyển sang màu trắng hoặc màu vàng trước khi hết.
- Cảm xúc của bạn sẽ liên tục thay đổi. Trong 1-2 tuần đầu tiên sau khi sinh, nhiều bà mẹ trẻ cảm thấy xuống tinh thần nghiêm trọng. Bạn có thể thấy buồn rầu, dễ khóc, kiệt sức, không ngủ được, cảm thấy bế tắc hoặc lo lắng. Các giác thèm ăn cũng có thể thay đổi – bạn có thể muốn ăn nhiều hơn hoặc ít hơn. Tin tốt là những biến động về cảm xúc này nói chung sẽ hết trong vòng 2-3 tuần.
Gọi cho bác sĩ nếu:
- Bạn có dấu hiệu chảy máu âm đạo bất thường, chẳng hạn như thấm hết một hoặc nhiều hơn một miếng băng vệ sinh trong một giờ, có các cục máu lớn hơn quả bóng golf, xuất hiện chảy máu đỏ tươi khoảng bốn ngày hoặc hơn sau khi sinh. Bạn có thể bị tình trạng gọi là xuất huyết sau sinh trì hoãn. (Lưu ý: Gọi cấp cứu nếu bạn bị chảy máu đầm đìa hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bị sốc, bao gồm chóng mặt, suy nhược, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, thở gấp hoặc nông, da lạnh, bồn chồn, hay nhầm lẫn).
- Bạn có dấu hiệu nhiễm trùng, trong đó có thể bao gồm sốt; đau bụng dưới hoặc dịch có mùi hôi (dấu hiệu của viêm nội mạc tử cung); khó đi tiểu, đi tiểu đau, nước tiểu đục hoặc có máu (dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu); bị đỏ, đau, chảy nước, hoặc sưng tấy quanh vết thương (chẳng hạn vết mổ, vết rạch tầng sinh môn hoặc vết rách); có vùng bị đau, cứng, đỏ, thường chỉ ở một bên vú, sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi, và có thể cả nhức đầu (dấu hiệu của viêm vú, nhiễm trùng vú).
- Bạn có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh, chẳng hạn như không thể ngủ ngay cả khi bé đã ngủ, có bất kỳ suy nghĩ làm hại đến con, khóc suốt nhiều ngày liên tiếp, hoặc có cơn hoảng loạn.
Làm thế nào để phục hồi nhanh chóng?
- Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, cố gắng ngủ khi bé ngủ. Điều tư vấn này có thể bạn khó làm theo, nhất là vào ban ngày, nhưng nó thực sự có hiệu quả.
- Hạn chế khách đến thăm và thời gian tiếp họ. Xem xét việc tắt điện thoại và để bảng “chúng tôi đang ngủ” ngoài cửa để không bị ai làm phiền.
- Có chế độ ăn uống cân bằng.
- Uống nhiều nước. Tránh cà phê, rượu, và soda có đường.
- Chấp nhận tất cả những đề nghị giúp đỡ việc nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc trẻ, các việc vặt khác… Nếu không ai đề nghị giúp bạn, hãy nhờ họ. Điều này thật khó, nhưng hãy tin chúng tôi, bạn bè và gia đình luôn muốn giúp đỡ bạn và hầu hết sẽ cảm thấy vui vẻ nếu bạn đề cập. Nếu bạn không thể nhận được sự trợ giúp, hãy xem xét việc thuê người giúp chăm sóc em bé, vệ sinh, hoặc ai đó có thể giúp bạn nghỉ ngơi.
- Đừng tự cô lập bản thân. Nói chuyện với bạn bè, người thân, và những bà mẹ mới sinh khác về kinh nghiệm cũng như cuộc sống khi có em bé có thể giúp bạn vượt qua.
Hoạt động của tuần này
Nếu bạn đang lên kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ và chưa mua áo ngực loại cho con bú, thì bây giờ là thời gian thích hợp. Hãy mang theo đến bệnh viện – bạn sẽ muốn có chúng để được thoải mái và nâng đỡ ngực. Kích thước ngực có thể sẽ lớn hơn nhiều so với trước khi bạn mang thai, và có thể sẽ tăng thêm một hoặc hai cỡ trong thời gian bạn cho con bú. Khi đi mua sắm, hãy nhớ mua thêm miếng thấm sữa nhét vào áo ngực để thấm sữa rỉ ra hoặc thuốc bôi làm mềm da vú.