Tuần 35
Em bé phát triển như thế nào?
Bây giờ em bé đã không còn nhiều chỗ để cử động do bé đã dài hơn 45cm và nặng khoảng 2.3kg (tương đương kích thước của một quả dưa gang). Bởi vì chiếc tổ ấm cúng đã khá chật chội nên bé cũng không định nhào lộn nữa, nhưng số lần bé đạp thì vẫn duy trì như cũ. Bây giờ thận của bé đã phát triển đầy đủ, và gan đã có thể xử lý một số chất thải. Hầu hết các phát triển về thể chất cơ bản đã hoàn tất – bé sẽ dành vài tuần tới để tăng cân.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Tử cung của bạn – hoàn toàn nằm khuất bên trong xương chậu khi thụ thai – bây giờ đã chạm đến khung xương sườn của bạn. Nếu có thể nhìn vào bên trong tử cung, bạn sẽ thấy em bé đã chiếm không gian nhiều hơn nước ối. Tử cung phình to cũng đang chèn lên các cơ quan nội tạng khác, đó là lý do tại sao bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn, đối mặt với chứng ợ nóng và các vấn đề khác liên quan đến đường tiêu hóa. Nếu bạn không phải vật lộn với những phiền toái này thì bạn là một trong số ít những người may mắn.
Từ bây giờ, bạn sẽ phải gặp bác sĩ hàng tuần. Cho đến 37 tuần, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra âm đạo và trực tràng của bạn xem có liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) hay không (Đừng lo lắng – bác sĩ sẽ kiểm tra bằng loại tăm bằng cỡ tăm bông thông thường và sẽ không gây đau chút nào). GBS thường vô hại với người lớn, nhưng nếu bạn bị nhiễm và lây sang con trong khi sinh, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi, viêm màng não, hoặc nhiễm trùng máu. Bởi vì có đến 10-30% phụ nữ mang thai có vi khuẩn mà không biết nên việc kiểm tra này rất quan trọng. (Các vi khuẩn này tự đến và tự đi – Đó là lý do tại sao bạn đã không được kiểm tra trong giai đoạn trước của thai kỳ). Nếu bạn có GBS, bạn sẽ được cung cấp kháng sinh IV trong quá trình sinh nở, nó có tác dụng giảm đáng kể nguy cơ bé bị nhiễm trùng.
Đây cũng là thời điểm tốt để bạn lên kế hoạch sinh nở. Kế hoạch này cũng để bạn thảo luận với đội ngũ y tế về mong muốn của mình. Sinh nở là việc không thể đoán trước, và rất có thể bạn sẽ không làm theo y như kế hoạch của mình, nhưng việc suy nghĩ trước về những lựa chọn – và chia sẻ với bác sĩ – sẽ giúp bạn giảm bớt lo lắng.
Ba câu hỏi về việc đến bệnh viện
Tôi có thể chuẩn bị thế nào để đến bệnh viện?
Ngay từ rất lâu trước thời điểm dự sinh, bạn và chồng nên tìm tuyến đường ngắn nhất tới bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản. Hỏi xem bệnh viện có làm việc ngoài giờ hành chính hay không và nếu không thì bạn nên đến đâu trong trường hợp này.
Tôi nên làm gì khi đến bệnh viện?
Nếu bạn đã đăng ký trước, bạn nên làm theo hướng dẫn đã nhận được, trong đó có thể bao gồm bỏ qua bàn lễ tân và đi thẳng đến khu hộ sinh. Nếu chưa đăng ký trước, bạn vẫn có thể đi thẳng đến khu hộ sinh. Thường sẽ có một bàn đăng ký khi bạn tới bệnh viện. Các nhân viên ở đây sẽ giúp bạn làm các thủ tục giấy tờ cần thiết.
Một y tá có thể dẫn bạn thẳng đến phòng sinh nở và giao bạn cho y tá đỡ sinh. Nếu chưa có dấu hiệu cho thấy bạn đang trong quá trình chuyển dạ tích cực hoặc cần phải nhập viện vì lý do nào đó, y tá có thể sẽ đưa bạn sang phòng kiểm tra trước. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn đã sẵn sàng để nhập viện hay chưa.
Y tá sẽ yêu cầu bạn lấy mẫu nước tiểu và thay quần áo. Sau đó, cô ấy sẽ kiểm tra những dấu hiệu quan trọng của bạn, hỏi xem các cơn co thắt bắt đầu khi nào và cách nhau bao lâu, xem nước ối đã bị vỡ chưa và có chảy máu âm đạo hay không. Cô ấy cũng sẽ muốn biết xem em bé có đang cử động hay không, bạn có vừa ăn uống gì không, và bạn đang đối phó với cơn đau như thế nào.
Bác sĩ sẽ kiểm tra tần suất và thời gian của các cơn co thắt cũng như nhịp tim của bé. Sau đó, sẽ thực hiện khám bụng và âm đạo. Nếu có vẻ như bạn vẫn chưa chuyển dạ hoặc mới bắt đầu chuyển dạ, bạn và em bé vẫn bình thường – có thể bạn sẽ được cho về nhà cho đến khi cơn chuyển dạ diễn ra mạnh hơn. Còn nếu không, bạn sẽ được nhập viện.
Điều gì sẽ xảy ra khi tôi nhập viện?
Các y tá hay bác sĩ có thể sẽ hỏi về kế hoạch sinh nở của bạn, những mong muốn của bạn, hay bạn có muốn dùng thuốc giảm đau trong quá trình chuyển dạ hay không.
Sau đó, bạn sẽ được lấy máu (để xác định nhóm máu và các thông số khác) và xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B. Bạn chắc chắn sẽ cần được cung cấp kháng sinh IV nếu kết quả xét nghiệm dương tính với liên cầu khuẩn nhóm B, truyền nước nếu bạn không thể uống nước được, nếu bạn muốn gây tê cột sống hoặc ngoài màng cứng, nếu bạn cần oxytocin (Pitocin), hoặc nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe hay biến chứng thai kỳ nào.
Y tá cũng sẽ hướng dẫn và chỉ cho bạn mọi thứ trong phòng. Đừng ngại yêu cầu những thứ mà bạn có thể cần, hoặc hỏi bất cứ vấn đề nào mà bạn còn băn khoăn.
Nói chuyện với bác sĩ về việc đăng ký trước tại bệnh viện. Nếu bạn đã chuẩn bị trước các thủ tục giấy tờ, bạn sẽ không phải lo lắng về nó trong ngày trọng đại nữa.
Hoạt động của tuần này
Chuẩn bị thức ăn để ăn sau khi bé được sinh ra. Nếu bạn phải tự nấu ăn, hãy nấu gấp đôi lên và cất một nửa vào tủ lạnh. Bạn và chồng bạn sẽ mệt đến mức không thể nấu nướng trong những tuần đầu tiên sau khi đưa bé về nhà và bạn sẽ rất mừng nếu chỉ cần hâm nóng thức ăn là đã có bữa ăn bổ dưỡng. Nếu bạn không nấu ăn, hãy đi quanh khu phố nhà bạn, nhận tất cả các thực đơn và thông tin của các quán ăn có giao hàng. Bạn sẽ thấy tiện lợi khi có tất cả các lựa chọn trong tầm tay mình.