Tuần 33
Em bé phát triển như thế nào ở tuần thai thứ 33?
Vào tuần thai thứ 33, bé nặng hơn 1,8kg một chút và dài hơn 43cm, cỡ bằng một quả dứa. Bé không còn nhăn nheo và khung xương cũng cứng cáp hơn.
Xương trên hộp sọ bé chưa chụm vào, có thể dịch chuyển và hơi chồng lên nhau để bé dễ chui lọt qua đường sinh khi chào đời. Áp lực tác động lên đầu bé trong quá trình sinh ra lớn đến nỗi nhiều đứa trẻ sinh ra có chóp đầu nhọn hình nón.
Những xương này vẫn chưa khít hẳn lại cho đến khi bé bước vào tuổi trưởng thành, chúng có thể tiếp tục phát triển cùng với sự phát triển của não bé cũng như các mô khác trong suốt khoảng thời gian thơ ấu và niên thiếu.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao ở tuần thai 33?
Do bé đang ngày càng chiếm nhiều chỗ hơn trong bụng mẹ nên có rất nhiều thứ bắt đầu thay đổi. Nếu trước đó bạn đi khệnh khạng thì nay có thể sẽ đi lạch bạch, lắc lư. Để có thể ngồi thoải mái – chưa nói đến tư thế ngủ – đã là cả một thách thức lớn lao. Và việc bị va vào ghế hay vào bàn rất dễ xảy ra.
Bạn có thể cảm thấy đau đau, thậm chí tê cứng ở các ngón tay, cổ tay và bàn tay. Như nhiều mô khác trong cơ thể, những mô ở cổ tay có thể giữ nước, làm tăng áp lực lên ống xương cổ tay.
Những dây thần kinh chạy qua đường ống này có thể bị bó chặt, gây nên cảm giác tê cứng, ngứa ran, đau nhói hay đau âm ỉ. Hãy thử đeo thanh nẹp để ổn định cổ tay hoặc gác tay lên gối khi ngủ. Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải vận động tay thường xuyên (chẳng hạn như trên bàn phím hay trên dây chuyền lắp ráp), hãy nhớ thường xuyên duỗi tay khi nghỉ giải lao.
Nhiều phụ nữ vẫn cảm thấy mình gợi cảm ở giai đoạn này – và chồng họ cũng đồng ý như vậy. Dù cần điều chỉnh một chút, nhưng với hầu hết phụ nữ, việc quan hệ trong khi mang thai vẫn diễn ra tốt cho đến khi vỡ ối hay quá trình chuyển dạ bắt đầu.
3 câu hỏi về việc theo dõi chuyển động của con
Câu hỏi 1: Bé đạp thường xuyên ở mức độ nào thì tốt?
Con bạn nên tiếp tục chuyển động thường xuyên như trong những tháng gần đây. Mỗi em bé có mức độ hoạt động của riêng và không có chuẩn chung cho tất cả. Nếu bạn không nhận thấy bất kỳ thay đổi lớn nào trong mức độ hoạt động của con, thì thong thường em bé của bạn vẫn khoẻ mạnh.
Câu hỏi 2: Tôi có cần theo dõi các cú đạp của con?
Một số bác sĩ cẩn trọng đề nghị, sau 28 tuần, bạn cần nghe ngóng các chuyển động của con ít nhất một lần hoặc hai lần mỗi ngày. Có rất nhiều cách để đếm những “cú đạp” này, vì vậy hãy hỏi xem bác sĩ muốn bạn theo dõi bằng cách nào.
Đây là một cách phổ biến: Chọn một thời điểm trong ngày khi con có xu hướng hoạt động tích cực nhất (nên chọn cùng một khoảng thời gian mỗi ngày); ngồi yên hoặc nằm nghiêng để không bị phân tâm. Tính xem phải mất bao lâu bạn mới cảm thấy bé chuyển động rõ rệt đủ 10 lần (đá, ngọ nguậy, và cử động toàn bộ cơ thể). Bé phải có ít nhất 10 chuyển động trong vòng hai giờ. (Đừng lo lắng, có thể không mất nhiều thời gian đến thế đâu, vì phần lớn bạn sẽ cảm thấy 10 cú đá của bé chỉ trong vòng 10 phút đầu tiên.) Nếu bạn không cảm thấy đủ thì hãy báo ngay cho bác sĩ.
Câu hỏi 3: Tôi nên làm gì nếu nghĩ rằng chuyển động của con bị chậm lại hoặc thay đổi?
Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn nhận thấy sự suy giảm trong hoạt động của bé. Thai nhi ít chuyển động đi có thể là dấu hiệu của vấn đề nào đó, và bạn sẽ cần phải xét nghiệm đo sức khỏe thai nhi hoặc sinh lý cơ thể để kiểm tra xem em bé có ổn không.
Hoạt động của tuần này
Giặt quần áo và drap giường của bé. Bạn có nhớ những bộ quần áo đáng yêu bạn mua hoặc được tặng không? Bạn nên giặt bất cứ thứ gì sẽ tiếp xúc với da của bé để loại bỏ các chất kích ứng có trong vải. Hãy dùng các chất tẩy rửa dịu nhẹ nhất dành riêng cho trẻ sơ sinh, được dán nhãn không gây dị ứng hoặc tốt cho làn da nhạy cảm của bé.