Tuần 29
Bé phát triển như thế nào?
Lúc này bé nặng khoảng 1.1kg và dài hơn 38cm tính từ đầu đến gót chân. Cơ bắp và phổi của bé đang tiếp tục trưởng thành, và đầu của bé cũng phát triển lớn hơn để lấy chỗ cho bộ não phát triển. Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của mình, bạn sẽ cần rất nhiều protein, vitamin C, axit folic và sắt. Và bởi vì xương của bé đang hấp thụ rất nhiều canxi, hãy nhớ uống sữa (hoặc tìm các nguồn cung cấp canxi khác như pho mát, sữa chua, hoặc nước cam bổ sung canxi). Ba tháng này, khoảng 250mg canxi được hấp thu cho bộ xương của bé cứng cáp dần lên mỗi ngày.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Em bé của bạn rất hiếu động trong thời gian này. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn phải dành một chút thời gian mỗi ngày để đếm các cú đá và hướng dẫn bạn cụ thể về cách làm. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn nhận thấy em bé đang trở nên ít hoạt động hơn.
Một số triệu chứng cũ – ợ nóng và táo bón – có thể bây giờ lại tái phát. Hormone progesterone thai kỳ làm giãn các mô cơ trơn khắp cơ thể, bao gồm cả các cơ ở đường tiêu hóa. Sự giãn cơ, cùng với việc ăn nhiều hơn, làm chậm quá trình tiêu hóa. Tiêu hóa chậm có thể gây ra đầy hơi và ợ nóng – đặc biệt là sau một bữa ăn nhiều – và góp phần gây nên chứng táo bón.
Tử cung ngày càng to lên cũng góp phần gây nên bệnh trĩ. Các mạch máu bị sưng ở vùng trực tràng là hiện tượng phổ biến trong thai kỳ. May mắn thay, chúng thường biến mất trong vài tuần sau khi sinh.
Nếu bị ngứa hoặc đau, hãy thử ngồi ngâm mình trong một bồn tắm hoặc chườm lạnh vùng bị ảnh hưởng. Tránh ngồi hoặc đứng lâu. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian mang thai, và báo cho bác sĩ biết nếu bạn bị chảy máu ở hậu môn. Để phòng ngừa táo bón, nên có chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, và tập thể dục thường xuyên.
Một số phụ nữ bị “hội chứng hạ huyết áp nằm ngửa” khi mang thai. Điều này xảy ra khi việc nằm ngửa gây thay đổi nhịp tim và huyết áp khiến bạn cảm thấy chóng mặt cho đến khi bạn đổi vị trí. Bạn cũng có thể cảm thấy đầu óc quay cuồng, nếu bạn đứng lên quá nhanh. Hãy nằm nghiêng thay vì nằm ngửa và di chuyển chậm từ nằm chuyển qua ngồi rồi đứng dậy.
Ba câu hỏi về nghỉ thai sản
Nếu bạn làm việc trong các doanh nghiệp, đã ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, bạn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp và nghỉ thai sản theo quy định Nhà nước nếu đã đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 6 tháng.
Tôi được nghỉ sinh từ lúc nào và bao lâu? Ngoài ra tôi có được nghỉ để đi khám thai?
Bạn được nghỉ hưởng chế độ thai sản sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên, từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Không có quy định nào về việc bạn bắt đầu nghỉ sinh vào lúc nào. Có bà mẹ quyết định nghỉ sinh sớm từ tháng thứ 8 để chờ sinh khi thấy cơ thể nặng nề, nhưng cũng có mẹ làm việc sát đến ngày dự sinh mới nghỉ sinh. Thời gian nghỉ sinh theo quy định tính từ ngày bạn quyết định nghỉ, vì vậy tùy vào thể trạng của bản thân cũng như hoàn cảnh thực tế ở doanh nghiệp nơi công tác để quyết định thời điểm nghỉ sinh hợp lý.
Thai phụ cũng được nghỉ khám thai 5 lần trong suốt thai kỳ, mỗi lần 1 ngày (không tính ngày nghỉ hàng tuần và ngày lễ) hoặc 2 ngày nếu thai bệnh lý hoặc cơ sở y tế thuộc vùng sâu, vùng xa.
Câu hỏi 2: Ngoài chế độ nghỉ, tôi có được hưởng trợ cấp gì khi mang thai và sinh con?
Trong khi nghỉ sinh, bạn được hưởng trọn vẹn tiền công theo mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ sinh. Nếu đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng khi khám thai là mức bình quân tiền lương, tiền công của các tháng đã đóng BHXH.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản bạn và doanh nghiệp không phải đóng BHXH.
Câu hỏi 3: Nếu tôi bị sẩy thai hoặc mất bé trong khi mang thai, tôi có được nhận chế độ thai sản?
Nếu không may bị sẩy thai, buộc phải bỏ thai, hoặc thai chết lưu, bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản cụ thể như sau: 10 ngày nếu thai dưới 1 tháng, 20 ngày nếu thai từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, 40 ngày nếu thai từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, và 50 ngày nếu thai trên 6 tháng (thời gian nghỉ bao gồm ngày nghỉ hàng tuần và các ngày lễ). Thời gian này bạn được hưởng 100% lương theo bình quân lương đóng bảo hiểm lao động của 6 tháng liền kề trước.
Đối với người chồng có vợ sinh con
Theo quy định mới về chế độ thai sản 2015, nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ nghỉ thai sản từ 5-14 ngày để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con với nhiều mức hưởng khác nhau tùy theo số con được sinh, phương thức sinh.
- Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, đẻ dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu sinh đôi và thêm 3 ngày/01 con nếu sinh 3 trở lên; 14 ngày nếu sinh 2 trở lên mà phải phẫu thuật.
- Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH, khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng hai tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.
Vì thế các chị em cần quan tâm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi tham gia BHXH, không chỉ của mình mà còn cả của ông xã nữa đó.
Hoạt động của tuần này
Mua sắm một số thứ lặt vặt cần thiết. Dưới đây là một số thứ bạn sẽ cần trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh bé nên được chuẩn bị trước vì khi đó bạn gần như không thể đi mua sắm:
- Tã bỉm sơ sinh và khăn sữa cho bé
- Đồ dùng cho bé như cắt móng tay, nhiệt kế, bình sữa và núm vú giả
- Bột giặt an toàn cho trẻ sơ sinh
- Băng vệ sinh cho bạn (Bạn sẽ bị ra máu trong một vài tuần sau khi sinh.)
- Khăn giấy và chén đĩa giấy để dễ dàng dọn dẹp sau bữa ăn nếu bạn không có người trợ giúp việc nhà.