Tuần 24
Bé phát triển như thế nào?
Em bé của bạn đang phát triển đều đặn, đã tăng thêm khoảng hơn 100 gram kể từ tuần trước và bây giờ bé đã nặng khoảng 600 gram. Cơ thể bé khá ốm và dài (tương đương kích thước của một bắp ngô), tuy nhiên bé đang từ từ phát triển và sẽ sớm đầy đặn lên. Bộ não của bé cũng đang phát triển nhanh chóng và vị giác cũng đang tiếp tục phát triển. Phổi đang phát triển các “nhánh” của “cây” đường hô hấp cũng như những tế bào sản xuất surfactant, một chất giúp phổi hít đầy không khí ngay khi bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Da bé vẫn còn mỏng và trong suốt, nhưng sẽ sớm thay đổi.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Trong vài tuần qua, đỉnh của tử cung đã vượt lên trên rốn và bây giờ có kích thước của một quả bóng đá. Hầu hết các thai phụ thực hiện xét nghiệm sàng lọc glucose (còn gọi là thử nghiệm glucose hoặc GCT) trong khoảng thời gian từ tuần này đến 28 tuần. Xét nghiệm này để kiểm tra bệnh tiểu đường thai kỳ, tình trạng đường trong máu cao khi mang thai.
Nếu không điều trị, bệnh tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh nở khó khăn hoặc cần mổ lấy thai vì nó khiến bé phát triển quá lớn, đặc biệt là ở phần trên cơ thể. Nó cũng làm tăng nguy cơ bị các biến chứng khác như hạ đường huyết ngay sau khi sinh. Kết quả dương tính trên GCT không có nghĩa là bạn bị tiểu đường thai kỳ, nhưng bạn sẽ cần phải thực hiện các xét nghiệm dung nạp glucose (GTT) để tìm hiểu chắc chắn.
Cuối cùng, nếu bạn chưa biết làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu chuyển dạ sinh non, bây giờ là thời gian để tìm hiểu.
Hơn 12 phần trăm trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ được sinh non (trước 37 tuần). Trong đó ¼ là chủ động, có nghĩa là đội ngũ y tế quyết định gây chuyển dạ sớm hoặc mổ lấy thai do một tình trạng y khoa nghiêm trọng như tiền sản giật nặng hoặc xấu đi hay do em bé đã ngừng phát triển. Các trường hợp còn lại được gọi là sinh non tự phát. Bạn có thể sẽ có một ca sinh non tự phát nếu trước 37 tuần bạn chuyển dạ, vỡ ối, hoặc cổ tử cung mở ra mà không có cơn co thắt.
Trong khi có một số yếu tố nguy cơ sinh non, như có bệnh nhiễm trùng sinh dục niệu, vấn đề ở nhau thai, hoặc suy cổ tử cung, trong nhiều trường hợp khác không ai biết lý do gây sinh non. Vì vậy, điều quan trọng đối với thai phụ là tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ sớm để biết phải làm gì nếu nó xảy ra với bạn.
Các dấu hiệu chuyển dạ sinh non?
Gọi nữ hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn ngay nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trước 37 tuần:
- Gia tăng tiết dịch âm đạo
- Có sự thay đổi trong tiết dịch âm đạo – nếu nó trở nên loãng, nhầy, hoặc có máu (thậm chí nếu nó có màu hồng hoặc chỉ nhuốm máu)
- Bất kỳ dấu hiệu chảy máu âm đạo
- Đau bụng, co thắt như có kinh nguyệt, hoặc nhiều hơn bốn cơn co trong một giờ
- Sự gia tăng áp lực ở vùng xương chậu (cảm giác em bé của bạn được đẩy xuống)
- Đau thắt lưng, đặc biệt nếu không bị đau lưng trước đó.
Những triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn, chẳng hạn như áp lực vùng chậu hoặc đau lưng, cũng thường xảy ra trong quá trình mang thai, và các cơn co thắt sớm chỉ là cơn co Braxton Hicks vô hại. Nhưng để an toàn hãy gọi nữ hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn gặp phải bất cứ điều gì bất thường.
Con tôi có sao không nếu được sinh ra sớm?
Em bé của bạn ra đời đủ tháng hoặc càng gần thời điểm dự sinh càng có nhiều khả năng sống sót và ít gặp các vấn đề sức khỏe. Trẻ sinh non được sinh ra giữa 34 và 37 tuần thường sẽ vẫn ổn, mặc dù vẫn có nguy cơ cao hơn về các vấn đề ngắn hạn và dài hạn so với trẻ sinh đủ tháng. Một số em bé được sinh ra rất sớm: hiện nay một số em bé sinh ra mới chỉ 24 tuần (hoặc thậm chí sớm hơn một chút) có thể tồn tại nhờ vào những tiến bộ trong chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng những em bé cực kỳ non nớt cần can thiệp y khoa quan trọng và phải nằm rất lâu trong phòng chăm sóc sơ sinh tích cực (NICUs).
Điều tốt nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ sinh non là tránh những nguy hiểm được biết đến với bé như hút thuốc, uống rượu và sử dụng ma túy trái phép. Có chế độ ăn uống bổ dưỡng, thăm khám đúng hẹn và thông báo kịp thời bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề cho bác sĩ.
Hoạt động của tuần này
Giải quyết các kế hoạch sửa chữa nhà. Ngồi lại với chồng và đưa ra những mong muốn của bạn về việc sửa sang phòng ốc trước khi em bé ra đời. Sau đó, hãy để chồng của bạn xử lý. (Bạn không nên để bản thân tiếp xúc với hóa chất hoặc leo thang có thể gây nguy hiểm).