Tuần 22
Bé phát triển như thế nào?
Dài 28cm và nặng hơn 400 gram, em bé của bạn đã trông giống như một trẻ sơ sinh thu nhỏ. Môi, mí mắt và lông mày đã rõ ràng hơn, và bé thậm chí đã phát triển chồi răng nhỏ xíu bên dưới nướu răng. Đôi mắt đã hình thành, nhưng con ngươi (phần có màu của mắt) vẫn còn thiếu sắc tố.
Nếu bạn có thể nhìn vào bên trong tử cung, bạn sẽ thấy những sợi lông tơ rất mịn bao phủ cơ thể bé và các nếp nhăn sâu trên da mà bé sẽ mang cho đến khi tạo ra một lớp đệm chất béo để lấp đầy. Bên trong bụng, tuyến tụy – cần thiết cho việc sản xuất một số hormone quan trọng – đang dần phát triển.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Đến giai đoạn này, chiếc bụng của bạn đã như một nam châm thu hút mọi người đưa tay sờ bụng. Nếu bạn không thích cứ nói thẳng với họ. Và nếu mọi người nói với bạn rằng bụng bạn trông nhỏ hơn hoặc to hơn bình thường vào thời điểm này, hãy nhớ rằng mỗi thai phụ phát triển với mức độ khác nhau. Điều quan trọng là bạn hãy thường xuyên đi khám thai định kỳ để đảm bảo sự tăng trưởng của bé đang đi đúng hướng.
Bạn có thể bắt đầu xuất hiện những vết rạn da trên bụng do da đang phải giãn ra để chứa thai nhi đang phát triển trong bụng. Ít nhất một nửa số phụ nữ mang thai bị rạn da khi họ sinh con. Những vệt rạn nhỏ với cấu trúc khác nhau có thể dao động từ màu hồng sang màu nâu sẫm (tuỳ thuộc vào màu da của bạn). Mặc dù chúng thường xuất hiện trên bụng, vết rạn da cũng có thể xuất hiện trên mông, đùi, hông và ngực. Không có bằng chứng nào cho thấy kem dưỡng da giúp ngăn ngừa vết rạn da, nhưng việc giữ ẩm có thể giúp giảm ngứa khi bị rạn da.
Bạn đã lường trước vòng bụng sẽ phát triển – và có lẽ cả bộ ngực nữa – nhưng những thay đổi về thể chất sau đây có thể khiến bạn bất ngờ. Trong những thay đổi khi mang thai, hormone là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các thay đổi về ngoại hình của bạn.
Tóc dày và bóng mượt hơn. Thực tế tóc của bạn không phát triển nhiều hơn mà chỉ ít rụng hơn bình thường. Trong thời gian mang thai, tóc bạn rụng chậm hơn rất nhiều so với trước đây. Nếu tóc dày hơn là một điều tốt đối với bạn, hãy tận hưởng điều đó. Nếu nó bờm xờm hơn bao giờ hết, hãy yêu cầu thợ cắt tóc tỉa mỏng đi một chút. Những thay đổi này sẽ không kéo dài mãi mãi. Sau khi em bé được sinh ra, phần tóc thừa này sẽ rụng đi, đôi khi rụng thành từng bối.
Tăng lông trên cơ thể. Hormone tình dục có tên androgen có thể gây mọc lông trên môi, cằm, xương hàm và má. Lông cũng có thể mọc lạc chỗ trên bụng, cánh tay, chân, và lưng bạn. Phải làm gì: Nhổ, wax và cạo là những cách an toàn để kiểm soát những thay đổi tạm thời này.
Móng tay phát triển nhanh. Móng tay của bạn có thể phát triển nhanh hơn bình thường và cấu trúc móng cũng có thể thay đổi. Móng tay của một số thai phụ trở nên cứng hơn, trong khi ở người khác lại mềm hoặc giòn hơn. Phải làm gì: Bảo vệ móng tay bằng cách đeo găng tay cao su khi phải tiếp xúc với chất tẩy rửa và sử dụng kem dưỡng ẩm nếu móng bị giòn.
Làn da thay đổi. Một số phụ nữ mang thai cho biết da của họ chưa bao giờ đẹp hơn lúc này. Nếu bạn nằm trong số đó, hãy tận hưởng giai đoạn “tỏa sáng” này. Những người khác lại thấy các hormone thai kỳ làm nặng thêm các vấn đề về da, như mụn trứng cá. Phải làm gì: Rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và đảm bảo rằng bất kỳ loại kem dưỡng ẩm hay mỹ phẩm trang điểm bạn đang dùng đều không chứa dầu.
Vết rạn. Khi bụng ngày càng to lên để chứa thai nhi đang phát triển, bạn có thể bị những vết nứt nhỏ trong lớp mô nâng đỡ ngay dưới da, dẫn đến những vệt màu sắc khác nhau. Những vết rạn sẽ bắt đầu mờ dần trong khoảng sáu đến 12 tháng sau khi sinh con. Bạn không thể làm gì nhiều ngoài việc cố gắng không tăng cân quá nhiều. Yếu tố di truyền chịu trách nhiệm về độ đàn hồi tự nhiên của làn da và đóng vai trò xác định những ai sẽ bị rạn da.
Đổi màu da. Việc tăng sắc tố melanin có thể tạo ra các mảng nám trên khuôn mặt của bạn. Những thay đổi sắc tố có thể diễn ra mạnh mẽ hơn nếu bạn thường xuyên phải tiếp xúc với ánh mặt trời. Bạn cần làm gì: Bảo vệ da mặt bằng kem chống nắng ngăn cản cả hai tia UVA và UVB với SPF 30 hoặc cao hơn, đội mũ rộng vành, và tránh ánh nắng mặt trời vào giờ cao điểm trong ngày (10:00-14:00) .
Núm vú và quầng vú lớn hơn và sẫm màu hơn. Bạn có thể thấy rằng núm vú và quầng vú đang trở nên lớn hơn và sẫm màu hơn. Những nốt nhỏ trên quầng vú, được gọi là nốt Montgomery, cũng nổi rõ hơn. Đó là những tuyến sản xuất dầu giúp chống lại vi khuẩn và bôi trơn da. Một số phụ nữ cũng nhận thấy tĩnh mạch trên vú rõ rệt hơn. Phải làm gì: Không cần làm gì cả!
Bàn chân to hơn. Cỡ chân của bạn có thể tăng lên nửa số hoặc hơn. Dây chằng lỏng lẻo có thể làm cho bàn chân bè ra một chút. Chân phù lên làm cho đôi giày của bạn trở nên chật chội, mặc dù cảm giác này sẽ biến mất sau khi sinh. Phải làm gì: Mua giày thoải mái để nhét vừa bàn chân ngày càng lớn của bạn.
Hoạt động của tuần này
Kiểm tra nhẫn. Thông thường ngón tay bạn sẽ bị sưng khi thai nhi phát triển. Nếu chiếc nhẫn bạn vẫn đeo đang sắp chật, hãy tháo ra ngay bây giờ trước khi quá muộn. Nếu bạn không thể rời khỏi chiếc nhẫn cưới quan trọng của mình, hãy tháo nó ra khỏi ngón tay, và đeo nó vào dây chuyền của bạn.