Tuần 10
Sự phát triển của bé trong tuần này
Mặc dù em bé có kích thước chỉ bằng một quả quất – dài hơn 2cm, và nặng gần 7 gram, em bé của bạn bây giờ đã hoàn thành giai đoạn phát triển quan trọng nhất của mình. Đây là sự khởi đầu của thời kỳ bào thai, khi các mô và cơ quan trọng trong cơ thể bé phát triển và trưởng thành nhanh chóng.
Em bé nuốt chất lỏng và thực hiện trao đổi chất. Các cơ quan quan trọng – bao gồm thận, ruột, não và gan (bây giờ sản xuất tế bào máu đỏ thay cho túi noãn hoàng đã biến mất) – đã ở đúng vị trí và bắt đầu hoạt động, mặc dù chúng sẽ tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ.
Nếu bạn có thể nhìn vào bên trong tử cung, bạn sẽ phát hiện các chi tiết nhỏ, giống như móng tay nhỏ bé hình thành trên các ngón tay và ngón chân và lớp lông tơ bắt đầu mọc trên làn da mỏng manh.
Cùng lúc đó: tay chân của em bé bây giờ đã có thể uốn cong. Bàn tay gấp lại ở cổ tay và đặt lên trái tim của mình, bàn chân đã đủ dài để gấp lại trước bụng. Cột sống sơ khai của bé có thể được nhìn thấy rõ qua làn da trong mờ, và các dây thần kinh cột sống đang bắt đầu căng ra từ tủy sống. Trán của bé tạm thời phình ra do não đang phát triển và nằm ở vị trí rất cao trên đầu, chiếm tới nửa chiều dài cơ thể bé. Từ đầu đến mông, bé dài khoảng 1/4 inch. Trong những tuần tới, em bé của bạn sẽ lại tăng gấp đôi kích thước – đến gần 3 inch.
Cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào?
Ở lần khám thai tiếp theo, bạn có thể nghe thấy nhịp tim đập nhanh của em bé với sự giúp đỡ của một ống nghe Doppler, một thiết bị siêu âm cầm tay đặt trên bụng. Nhiều phụ nữ nói rằng nhịp đập trái tim nhỏ bé vang lên như tiếng ngựa phi và rất cảm động khi lần đầu tiên nghe thấy.
Trước khi có thai, tử cung của bạn có kích thước chỉ bằng một quả lê nhỏ. Tới tuần này, nó đã to như quả bưởi. Quần áo của bạn có thể đã chật khít và áo ngực cũng vậy. Sự chướng lên ở phần giữa cơ thể có thể là do tăng cân nhẹ và đầy hơi. Nếu bạn chưa tròn lên quá so với trước khi có thai, quần và váy với lưng thun co giãn hoặc vòng eo thấp dưới bụng sẽ khiến bạn thoải mái hơn.
Bạn có thể tham gia vào một loạt các hoạt động trong quá trình mang thai. Bơi và đi bộ là sự lựa chọn tuyệt vời cho cả thai kỳ. Tập thể dục giúp tăng cường cơ bắp, sức mạnh và sức chịu đựng – ba yếu tố giúp cơ thể bạn chịu đựng tốt trọng lượng mang theo trong quá trình mang thai, và dễ dàng hơn để trở lại hình dáng sau khi sinh.
Ba câu hỏi về bệnh nhiễm trùng trong thai kỳ
Tôi cần biết gì về bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai?
Nhiễm trùng đường tiểu (UTIs) là nhiễm vi khuẩn thường gặp nhất trong thai kỳ. Lượng progesterone tăng lên là một phần nguyên nhân. Các hormone làm giãn đường tiết niệu, do đó có thể làm chậm dòng chảy của nước tiểu, cho vi khuẩn có thêm thời gian để phát triển.
Nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn đường ruột đi từ trực tràng vào niệu đạo và tiếp tục phát triển lên đường tiết niệu. Chúng có thể gây ra nhiễm trùng bàng quang gọi là viêm bàng quang. Các triệu chứng của viêm bàng quang như đau, khó chịu, hoặc rát khi đi tiểu, thường xuyên buồn tiểu, khó chịu vùng chậu hoặc đau bụng dưới. Nước tiểu có thể đục và có mùi hôi.
Điều quan trọng là thông báo với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị nhiễm trùng bàng quang. Viêm bàng quang không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và làm tăng nguy cơ sinh non. Nếu bạn bị viêm bàng quang, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh an toàn trong thai kỳ để giúp ngăn chặn vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Các loại thuốc kháng sinh được phép dùng lúc này sẽ giảm các triệu chứng của bạn trong vòng một vài ngày, nhưng bạn hãy nhớ tuân thủ quá trình điều trị để tiêu diệt tất cả các vi khuẩn.
Vi khuẩn cũng có thể nhân lên trong đường tiết niệu mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào (gọi là vi khuẩn niệu không triệu chứng), đó là lý do tại sao bác sĩ của bạn xét nghiệm nước tiểu ngay ở lần khám tiền sản đầu tiên của bạn. Bạn sẽ cần phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh nếu bạn có vi khuẩn niệu không triệu chứng.
Tôi cần biết gì về viêm âm đạo do vi khuẩn trong quá trình mang thai?
Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục gây ra do sự phát triển quá mức của vi khuẩn thường sống với số lượng nhỏ trong âm đạo. Bạn có thể không có triệu chứng với BV. Nếu có, bạn có thể nhận thấy có mủ màu trắng hoặc màu xám, loãng, có mùi hôi hoặc tanh. (Mùi này thể hiện rõ nhất sau khi quan hệ tình dục). Bạn cũng có thể bị kích ứng hay ngứa quanh âm đạo và âm hộ của bạn, mặc dù ít nhất một nửa số phụ nữ mắc BV không có triệu chứng.
BV có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non và vỡ non màng ối bao quanh em bé. Nếu bạn có những triệu chứng của BV hoặc nếu bạn có nguy cơ sinh non, bác sĩ của bạn sẽ ngăn chặn sự lây nhiễm và cho bạn dùng kháng sinh nếu kết quả là dương tính.
Tôi cần biết gì về bệnh nhiễm nấm khi mang thai?
Nhiễm nấm là nhiễm trùng âm đạo thường gặp và dễ mắc hơn khi mang thai. Chúng gây ra bởi nấm nhỏ trong họ Candida. Những loại nấm này được tìm thấy trong âm đạo của gần một phần ba phụ nữ và chỉ trở thành vấn đề khi chúng phát triển quá nhanh lấn át các vi sinh vật cạnh tranh khác. Việc tăng lượng estrogen trong thời gian mang thai khiến âm đạo sản xuất nhiều glycogen hơn, tạo môi trường cho nấm dễ phát triển.
Nhiễm trùng nấm sẽ không làm tổn thương em bé của bạn. Nếu bạn bị nhiễm trùng nấm khi chuyển dạ, em bé của bạn có thể bị nhiễm nấm khi đi qua ống sinh. Nấm có thể gây ra nhiễm trùng thông thường gọi là bệnh tưa miệng, được nhận biết bởi các mảng trắng trong miệng bé. Tưa miệng là bệnh không nghiêm trọng và dễ điều trị ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh.
Hoạt động của tuần này
Mua một số áo lót và đồ lót mới. Nếu ngực của bạn đau, áo lót nên có lớp đệm tốt. Hãy thử loại áo lót riêng cho phụ nữ mang thai, chúng sẽ khiến bạn dễ chịu hơn. Ngực của bạn có thể tăng thêm một hoặc hai cỡ, đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên bạn mang thai.