Tuần 36
Em bé phát triển như thế nào?
Em bé của bạn đang tăng cân với tốc độ khoảng 28 gram/ ngày. Bây giờ bé nặng khoảng 2.6kg và dài 47cm. Bé đang rụng dần lớp lông tơ bao phủ cơ thể cũng như lớp gây, chất sáp bao phủ và bảo vệ làn da bé trong suốt chín tháng ngâm mình trong nước ối. Bé nuốt cả các chất này, cùng với các dịch tiết khác, và cho kết quả là một hỗn hợp màu đen, gọi là phân su, thành phẩm của lần đi ị đầu tiên của bé.
Hết tuần này, bé sẽ được coi là đủ tháng. (Đủ tháng được tính từ 39 đến 40 tuần. Trẻ sinh trước 37 tuần được coi là sinh non, và sau 42 tuần là sinh muộn). Nhiều khả năng bây giờ em bé của bạn đã quay đầu xuống.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Bé đã chiếm nhiều chỗ trong tử cung và bạn có thể bị khó chịu khi ăn no. Hãy chia bữa ăn ra thành những bữa nhỏ trong ngày. Tuy nhiên, có thể bạn đã ít bị ợ nóng hơn và dễ thở hơn khi em bé bắt đầu tụt xuống khung xương chậu của bạn. Quá trình này – gọi là sa bụng – thường xảy ra một vài tuần trước khi chuyển dạ nếu đây là đứa con đầu tiên của bạn. (Nếu bạn đã từng sinh rồi, thì quá trình này sẽ không xảy ra trước khi chuyển dạ). Nếu em bé tụt xuống, bạn có thể cảm thấy gia tăng áp lực ở vùng bụng dưới khiến việc đi bộ ngày càng khó khăn, và bạn sẽ phải đi tiểu thường xuyên hơn. Nếu em bé tụt xuống rất thấp, bạn sẽ cảm thấy nhiều áp lực ở vùng âm đạo và cũng khá khó chịu. Một số phụ nữ nói rằng họ cảm giác như thể đang mang một quả bóng bowling giữa hai chân vậy!
Bạn cũng có thể nhận thấy các cơn co thắt Braxton Hicks thường xuyên hơn. Hãy xem lại các dấu hiệu chuyển dạ. Nếu mang thai đủ tháng, thai không có biến chứng và ối vẫn chưa vỡ, bác sĩ có thể sẽ bảo bạn chờ cho tới khi có những cơn co thắt kéo dài khoảng 1 phút mỗi cơn, diễn ra sau khoảng 5 phút, trong vòng 1 giờ. Tất nhiên, bạn hãy gọi bác sĩ ngay nếu nhận thấy em bé giảm hoạt động hoặc nghĩ rằng bạn đang bị rỉ nước ối, hoặc thấy có chảy máu âm đạo, sốt, nhức đầu nặng hoặc kéo dài, đau bụng liên tục hoặc thị lực thay đổi.
Ngay cả khi bạn đang tận hưởng một thai kỳ không biến chứng thì tốt nhất cũng hãy tránh đi máy bay (hoặc đi du lịch xa nhà) trong tháng cuối cùng này bởi vì bạn có thể chuyển dạ vào bất cứ lúc nào. Thực tế là một số hãng hàng không sẽ không cho phép phụ nữ trong vòng 30 ngày trước ngày dự sinh lên máy bay.
Các giai đoạn của quá trình chuyển dạ
Đối với những phụ nữ lần đầu làm mẹ, thời gian chuyển dạ trung bình khoảng 15 giờ, mặc dù những trường hợp kéo dài hơn 20 giờ cũng không phải hiếm. (Còn với những phụ nữ đã từng sinh thường trước đây, trung bình mất khoảng 8 giờ). Quá trình chuyển dạ và sinh nở được chia thành ba giai đoạn chính.
Giai đoạn đầu. Giai đoạn này bắt đầu khi bạn bắt đầu có những cơn co thắt, dần dần làm giãn và làm mờ cổ tử cung, và kết thúc khi cổ tử cung mở hoàn toàn. Giai đoạn này được chia thành hai thời kỳ, chuyển dạ sớm và chuyển dạ tích cực.
Đôi khi khó xác định chính xác khi nào chuyển dạ sớm bắt đầu. Bởi vì các cơn co thắt ở chuyển dạ sớm thường khó phân biệt với các cơn co thắt Braxton Hicks mà bạn thỉnh thoảng vẫn thấy.
Trừ khi có biến chứng hoặc bác sĩ đã tư vấn cho bạn, nếu không, bạn nên ở nhà trong suốt giai đoạn này. (Tuy nhiên, hãy chắc chắn có bác sĩ kiểm tra cho đảm bảo).
Giai đoạn chuyển dạ sớm kết thúc khi cổ tử cung mở được khoảng 4cm và sự chuyển dạ bắt đầu tăng tốc. Lúc này, bạn bước vào giai đoạn chuyển dạ tích cực. Các cơn co thắt trở nên thường xuyên hơn, dài hơn, và mạnh hơn.
Cuối giai đoạn chuyển dạ tích cực – khi cổ tử cung mở ra 8-10 cm – được gọi là giai đoạn chuyển tiếp, vì nó đánh dấu sự chuyển tiếp sang giai đoạn thứ hai. Đây là phần căng thẳng nhất của giai đoạn chuyển dạ đầu tiên, với những cơn co thắt thường rất mạnh, cách nhau khoảng 2.5-3 phút và kéo dài một phút hoặc lâu hơn.
Giai đoạn hai. Khi cổ tử cung đã giãn ra hoàn toàn, giai đoạn chuyển dạ thứ hai bắt đầu: em bé tụt xuống thấp nhất và ra đời. Đây là giai đoạn “rặn đẻ”, có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. (Thường sẽ nhanh hơn nếu trước đây bạn đã từng sinh thường).
Đầu bé sẽ nhô ra dần sau mỗi lần rặn cho đến khi lọt hẳn ra ngoài. Sau khi đầu bé lọt ra, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ hút dịch ở miệng và mũi bé, sờ quanh cổ bé để tìm dây rốn. Sau đó, đầu bé sẽ xoay sang một bên khi vai xoay bên trong xương chậu để tìm vị trí chui ra. Đến cơn co thắt tiếp theo, bạn sẽ được hướng dẫn để đẩy vai bé ra, sau đó là cả cơ thể bé.
Lúc này, mẹ có thể sẽ có rất nhiều cảm xúc: sảng khoái, sợ hãi, tự hào, hoài nghi, phấn khích, và tất nhiên, nhẹ nhõm vì mọi chuyện đã hoàn thành. Bạn có thể cảm thấy kiệt sức, nhưng cũng có thể cảm thấy đầy năng lượng, và không muốn ngủ lúc này.
Giai đoạn ba. Giai đoạn cuối cùng bắt đầu ngay khi em bé sinh ra và kết thúc với việc cắt nhau thai. Các cơn co thắt trong giai đoạn thứ ba này tương đối nhẹ.
Hoạt động của tuần này
Hãy lên danh sách những người mà bạn muốn thông báo về sự ra đời của bé – gồm cả số điện thoại hoặc địa chỉ email – sau đó đưa cho một người bạn có thể giúp bạn thông báo tin vui này. Bằng cách này, khi đã sẵn sàng thông báo cho mọi người, bạn chỉ cần nhấc máy lên và gọi. Hãy bao gồm ít nhất một đồng nghiệp vào danh sách, để người ấy có thể thông báo giúp bạn trong công ty.