Tuần 26
Bé phát triển như thế nào?
Mạng lưới các dây thần kinh trong tai bé đã phát triển và nhạy cảm hơn trước. Bây giờ bé đã có thể nghe thấy cả giọng nói của bạn và chồng bạn trò chuyện với nhau. Em bé hít vào và thở ra một lượng nhỏ nước ối, đó là hoạt động cần thiết cho sự phát triển của phổi. Những động tác hít thở này cũng là bài thực hành tốt để chuẩn bị cho bé khi sinh ra và hít ngụm không khí đầu tiên.
Bé cũng tiếp tục đưa vào cơ thể chất béo. Bé bây giờ nặng khoảng 450 gram và dài 35cm tính từ đầu đến gót chân. Nếu bạn đang mang thai một bé trai, tinh hoàn của bé sẽ sớm đi vào trong bìu – một chuyến đi sẽ mất khoảng 2-3 tháng.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Bạn đang hối hả cố gắng tham dự các lớp học tiền sản và chuẩn bị phòng cho em bé trong khi vẫn phải lo toan các công việc hàng ngày khác? Hãy đảm bảo rằng bạn vẫn ăn uống tốt và nghỉ ngơi thật nhiều.
Khoảng thời gian này, huyết áp của bạn có thể tăng nhẹ, mặc dù có lẽ vẫn thấp hơn so với trước khi bạn có thai. (Thông thường, huyết áp giảm từ cuối tam cá nguyệt đầu tiên, và có xu hướng thấp nhất ở khoảng 22 đến 24 tuần.)
Tiền sản giật – một tình trạng nghiêm trọng đặc trưng bởi huyết áp cao – thường xuất hiện sau 37 tuần, nhưng nó có thể xảy ra trước đó, vì vậy điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo. Gọi bác sĩ nếu bạn bị sưng mặt hoặc bọng xung quanh mắt, sưng nhiều hơn một chút ở tay, sưng quá mức hoặc đột ngột ở bàn chân hoặc mắt cá chân, hay tăng cân nhanh chóng (hơn 1.8-2.2kg trong một tuần). Khi tiền sản giật nặng hơn, bạn có thể gặp các triệu chứng khác. Hãy báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn bị nhức đầu dữ dội hoặc dai dẳng, thị lực thay đổi (bao gồm nhìn đôi hoặc nhìn mờ, nhìn thấy những đốm hoặc đèn nhấp nháy, nhạy cảm với ánh sáng, hoặc tạm thời mất thị lực), đau dữ dội hoặc đau ở bụng trên, hoặc nôn.
Nếu gần đây, vùng thắt lưng của bạn có vẻ hơi đau nhức, đó có thể là do tử cung của bạn ngày càng lớn – trọng tâm thay đổi, từ đó kéo giãn và làm suy yếu cơ bụng, và có thể chèn lên dây thần kinh – cũng như những thay đổi của nội tiết tố khiến nới lỏng các khớp và dây chằng. Thêm vào đó, trọng lượng tăng lên khiến cho cơ bắp phải làm việc nhiều hơn và tăng áp lực lên các khớp xương của bạn, đó là lý do tại sao bạn lại thấy tệ hơn vào cuối ngày. Đi bộ, đứng, hoặc ngồi lâu, cũng như gập và nâng người lên, tất cả đều có thể gây áp lực lên lưng bạn.
Tắm nước ấm hoặc chườm nóng có thể giúp bạn dễ chịu hơn. (Tuy nhiên, một số phụ nữ lại thấy chườm mát dễ chịu hơn.) Cố gắng duy trì tư thế thoải mái, tránh các hoạt động vừa phải gập và vặn người, thả lỏng nhiều hơn khi ngồi hoặc đứng, nằm ngủ nghiêng về một bên hoặc gập cả hai đầu gối, chèn một cái gối giữa hai chân, sử dụng một chiếc gối khác để kê bụng.
Bạn có nên lập một kế hoạch sinh nở?
Lên một kế hoạch sinh nở có thể giúp bạn có cơ hội để suy nghĩ về – và thảo luận với chồng và bác sĩ bạn – bạn sẽ sinh nở như thế nào. Quá trình lập kế hoạch sinh nở là cách tốt để bạn tìm hiểu thêm về sinh con và mong muốn riêng của bạn về việc chăm sóc khi sinh.
Nhưng hãy nhớ rằng sinh con là vấn đề vốn không thể đoán trước, và bạn sẽ cần phải luôn linh hoạt trong mọi trường hợp.
Vậy, nó có ý nghĩa như thế nào?
Nếu bạn coi việc lập kế hoạch sinh nở như là cách tìm hiểu thêm về các lựa chọn trong quá trình thai sản và lâm bồn, và để bắt đầu trao đổi với bác sĩ chăm sóc và nói lên mong muốn của bạn, thì chắc chắn đó là điều nên làm.
Việc áp dụng kế hoạch sinh nở mà bạn đặt ra vào thực tế của ca sinh là điều mà bạn không nên trông đợi nhiều. Với một số bệnh viên tư nhân cao cấp hay bệnh viện quốc tế, đội ngũ y bác sĩ có thể sẽ quan tâm đến mong muốn của mẹ; nhưng với tình trạng quá tải của các bệnh viên công hiện nay, kế hoạch sinh của bạn dù chi tiết đến đâu cũng sẽ chẳng ăn nhập gì khi bạn chuyển dạ và đến bệnh viện, do bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ có quyết định riêng dựa trên tình trạng thực tế của mẹ. Vậy nên, đừng quá trông đợi vào việc sẽ trải qua quá trình sinh nở như bạn mong đợi, thay vào đó, hãy sẵn sàng để đón nhận những bất ngờ, đó cũng là những trải nghiệm sinh nở mà bạn sẽ không bao giờ quên.
Tuy vậy, lên kế hoạch sinh nở cũng là một ý hay và nếu bạn muốn thử, bạn có thể lên kế hoạch chi tiết hoặc đơn giản. Một số phụ nữ chỉ đơn thuần viết ra những ý niệm về việc sinh nở của họ và nói chung chung về cách họ muốn thực hiện. Ví dụ, “Tôi muốn sinh con càng tự nhiên càng tốt. Xin đừng cho tôi thuốc giảm đau hoặc tiến hành bất kỳ biện pháp can thiệp nào trừ khi cần thiết”. Hoặc “Tôi muốn quá trình sinh nở của tôi tương đối không đau đớn và được gây tê ngoài màng cứng càng sớm càng tốt”.
Một vài vấn đề nên xem xét khi lên kế hoạch sinh con:
- Bạn muốn sinh tự nhiên hay gây tê màng cứng? Nếu bạn không chắc chắn, nên ghi chú lại.
- Bạn có muốn sinh con trong riêng tư (chỉ có đội ngũ nhân viên y tế và chồng bên cạnh)? Bạn có muốn các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè ở lại trong phòng để hỗ trợ? Sinh viên y khoa hay bác sĩ thực tập có mặt ở đó có là vấn đề với bạn không?
- Bạn có muốn một tấm gương để có thể nhìn thấy em bé chui ra?
- Bạn có muốn có căn phòng yên tĩnh nhất có thể?
- Sau khi em bé sinh ra, bạn có muốn bố bé cắt dây rốn cho bé? Bạn hoặc bố bé có muốn ở lại với em bé trong quá trình khám hay xử lý nào không?
- Bạn có kế hoạch cho con bú sữa mẹ?
- Bạn có muốn bé ở cạnh 24/24?
- Bạn có sẵn sàng trả thêm tiền cho phòng riêng nếu có?
Hoạt động của tuần này
Thảo luận một số vấn đề cá nhân. Bạn có muốn cắt bao quy đầu cho con trai không? Nếu vậy, bạn có muốn nó được thực hiện ở bệnh viện? Bạn sẽ có nghi thức tôn giáo nào sau khi em bé của bạn sinh ra không? Bạn có muốn ở nhà với bé toàn thời gian hay bán thời gian?
Đây chỉ là một vài trong số những quyết định lớn, bạn và chồng mình nên thảo luận với nhau. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng cả hai vợ chồng đều đồng thuận, tốt nhất nên chia sẻ ý kiến một cách công khai để tránh những hiểu lầm và tổn thương.