Tuần 34

Em bé phát triển như thế nào?

Lúc này bé nặng khoảng hơn 2kg và dài gần 45cm. Lớp mỡ dưới da bé – giúp điều hòa thân nhiệt cơ thể của bé khi sinh ra – được làm đầy khiến cơ thể bé tròn trĩnh hơn. Làn da của bé cũng mịn màng hơn bao giờ hết. Hệ thống thần kinh trung ương đang trưởng thành và phổi tiếp tục hoàn thiện. Nếu bạn đã rất lo lắng về việc sinh non, bạn có thể yên tâm hơn khi biết rằng các em bé sinh ra giữa 34 và 37 tuần đều khỏe mạnh nếu không có vấn đề về sức khỏe nào khác. Bé có thể cần nằm trong lồng sơ sinh ít lâu và có thể gặp một vài vấn đề sức khỏe ngắn hạn, nhưng về lâu dài, bé phát triển bình thường như các bé sinh đủ tháng.

Mẹ đã có thể yên tâm vì em bé sinh ra giữa 34 và 37 tuần đều khỏe mạnh nếu không có vấn đề về sức khỏe nào khác.

Mẹ đã có thể yên tâm vì em bé sinh ra giữa 34 và 37 tuần đều khỏe mạnh nếu không có vấn đề về sức khỏe nào khác.

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?

Khoảng tuần thai này, bạn có thể lại bị mệt mỏi, mặc dù không đến mức như tam cá nguyệt đầu tiên. Mệt mỏi là hoàn toàn dễ hiểu với những căng thẳng về thể chất mà bạn đang phải chịu đựng, những đêm mất ngủ vì phải thức dậy đi tiểu thường xuyên và trở mình liên tục để tìm tư thế thoải mái.

Bây giờ là lúc bạn nên tiết kiệm năng lượng để dành sức cho ngày chuyển dạ (và cả sau đó nữa). Nếu bạn đã ngồi hoặc nằm lâu, đừng bật dậy quá nhanh. Máu có thể dồn xuống chân của bạn, gây giảm huyết áp tạm thời khiến bạn cảm thấy chóng mặt.

Nếu bạn nhận thấy những lằn hay vết đỏ ngứa ngáy trên bụng, ở cả đùi và mông nữa, thì có thể bạn đang bị một tình trạng được gọi là sẩn ngứa mề đay và nốt sần thai kỳ (gọi tắt là PUPPP).

Có khoảng 1% phụ nữ mang thai mắc phải PUPPP, tuy vô hại nhưng nó khiến bạn khá khó chịu. Hãy hỏi bác sĩ để chắc chắn rằng không có vấn đề gì nghiêm trọng hơn và được điều trị để cảm thấy dễ chiu hơn, hoặc được giới thiệu đến một bác sĩ da liễu nếu cần thiết. Ngoài ra hãy báo ngay cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy dữ dội trên khắp người, ngay cả khi bạn không bị phát ban. Đó có thể báo hiệu một vấn đề về gan.

3 câu hỏi về sinh mổ

Khả năng sinh mổ của tôi là bao nhiêu?

Ngày nay, có khoảng 30% phụ nữ mang thai ở Mỹ sinh mổ. Trong một số trường hợp, việc phẫu thuật này đã được dự kiến ​​trước. Trong những trường hợp khác, sinh mổ được thực hiện khi có biến chứng không lường trước được.

Tại sao tôi có thể cần sinh mổ?

Bạn có thể cần sinh mổ ngoài ý muốn vì nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như cổ tử cung ngừng giãn nở, em bé của bạn không tiếp tục tụt xuống đường sinh, hoặc nhịp tim của bé khiến các bác sĩ lo lắng. Việc sinh mổ có thể được đề nghị nếu:

  • Bạn đã từng sinh mổ trước đó với một vết rạch dọc tử cung “cổ điển” hoặc từng sinh mổ nhiều hơn một lần. (Nếu bạn mới chỉ sinh mổ một lần với vết rạch ngang, bạn vẫn có thể sinh thường cho bé thứ hai).
  • Bạn đã từng có một số phẫu thuật xâm lấn tử cung khác, chẳng hạn như phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung.
  • Bạn mang thai đôi trở lên. (Một số cặp song sinh có thể được sinh thường, nhưng tất cả các trường hợp mang thai nhiều hơn đều phải sinh mổ).
  • Thai nhi quá lớn không thể sinh thường.
  • Em bé ở ngôi mông (mông ra trước) hoặc nằm ngang. (Trong một số trường hợp, chẳng hạn như trong một ca mang thai đôi, trong đó em bé đầu tiên quay đầu xuống nhưng em bé thứ hai thì quay ngược lại, thì em bé ở vị trí ngược này có thể được sinh thường).
  • Bạn bị nhau tiền đạo (nhau thai bám rất thấp trong tử cung, có thể trùm lên cổ tử cung).
  • Em bé bị bệnh hoặc bị dị tật có thể nguy hiểm nếu sinh thường.
  • Bạn dương tính với HIV, và các xét nghiệm máu ở cuối thai kỳ cho thấy bạn có lượng virus cao.

Tôi nên mong đợi gì trong một ca sinh mổ?

Thông thường, chồng bạn có thể ở bên cạnh bạn trong quá trình phẫu thuật. Nếu bạn chưa được nối ống truyền tĩnh mạch thì các bác sĩ sẽ nối cho bạn, và cả một ống thông đường tiểu để thoát nước tiểu trong suốt quá trình phẫu thuật, bạn sẽ được gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống, việc này chỉ gây tê ở phần thân dưới nên bạn vẫn hoàn toàn tỉnh táo và nhận biết được. Một tấm màn sẽ được dựng lên để ngăn cho bạn không phải quan sát quá trình thực hiện. Khi bác sĩ chạm tới tử cung và rạch đường mổ cuối cùng, bác sĩ sẽ dễ dàng lấy em bé ra, đưa đến gần mẹ để mẹ có thể nhìn thấy bé trước khi chuyển cho bác sĩ nhi khoa hoặc y tá chăm sóc. Trong khi các y tá kiểm tra cho bé, bác sĩ sẽ lấy nhau thai và khâu vết mổ lại cho bạn. Khi em bé đã được kiểm tra, y tá sẽ đưa em bé cho chồng bạn, anh ấy có thể đặt bé bên cạnh bạn để bạn có thể ôm và hôn bé trong khi đang được khâu lại. Việc khâu lại sẽ mất nhiều thời gian hơn so với khi mổ. Quá trình này của ca phẫu thuật thường mất khoảng 30 phút. Sau khi phẫu thuật xong, bạn sẽ được nằm trong phòng hồi sức, nơi bạn có thể ôm con và cho bé bú nếu muốn.

Hoạt động của tuần này

Lên kế hoạch dự phòng cho việc sinh nở. Bạn có thể chuyển dạ sớm hoặc có một biến chứng đòi hỏi phải ở trong bệnh viện lâu hơn dự kiến. Đưa chìa khóa cho một người thân, hoặc người hàng xóm để phòng trường hợp bạn cần thứ gì đó mà không thể về nhà lấy. Sắp xếp người sẽ thực hiện những việc dưới đây:

  • Chăm sóc em bé mới sinh
  • Đưa đón đứa con lớn đi học hay tham gia các hoạt động sau giờ học
  • Cho vật nuôi ăn, tưới cây, nhận thư từ
  • Phụ trách thay công việc của bạn ở cơ quan hay bất kỳ nhiệm vụ nào khác