Tuần 32

Em bé phát triển như thế nào?

Do hiện tại em bé đã nặng khoảng 1.7kg và dài khoảng 42cm, bé đã chiếm rất nhiều không gian trong tử cung của bạn. Bạn đang tăng khoảng gần 0.5kg mỗi tuần và khoảng một nửa trọng lượng đó là do em bé tăng cân. Thực tế, trong 7 tuần tới, bé sẽ tăng khoảng 1/3 – 1/2 cân nặng so với khi sinh ra để có thể tồn tại được sau khi rời khỏi bụng mẹ. Bé bây giờ đã có móng chân, móng tay, và tóc tơ. Làn da của bé đã mềm mại và mịn màng hơn do bé đang tròn trĩnh hơn để chuẩn bị chào đời.

Làn da của bé đã mịn màng và mềm mại hơn do bé đã trở nên tròn trĩnh hơn.

Làn da của bé đã mịn màng và mềm mại hơn do bé đã trở nên tròn trĩnh hơn.

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao trong tuần thai này?

Để đáp ứng nhu cầu của cơ thể mẹ và sự phát triển của bé, lượng máu của mẹ đã tăng 40 – 50% kể từ khi bạn có thai. Tử cung bị đẩy lên gần cơ hoành và chèn lên dạ dày có thể khiến bạn bị khó thở và ợ nóng. Để bớt khó chịu, hãy thử ngủ tựa lên gối và chia nhỏ các bữa ăn.

Bạn có thể bị đau vùng thắt lưng khi thai nhi lớn dần, hãy báo ngay cho bác sĩ biết nếu bạn chưa từng bị như vậy, vì đó có thể là một dấu hiệu của sinh non.

Nếu đó không phải do sinh non thì là do tử cung của bạn phát triển và sự thay đổi nội tiết tố khiến bạn bị đau lưng. Tử cung lớn dần làm thay đổi trọng tâm cơ thể bạn, các cơ bụng căng ra và yếu đi, thay đổi dáng điệu và kéo căng lưng của bạn. Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cũng làm lỏng các khớp xương và dây chằng nối khung xương chậu với cột sống làm cho bạn cảm thấy mất thăng bằng và đau khi đi, đứng hay ngồi lâu, trở mình trên giường, đứng dậy khỏi chiếc ghế thấp hoặc bồn tắm, hay khi cúi, nhấc các vật.

Ai nên ở trong phòng sinh cùng với bạn?

Sinh con là một trải nghiệm hết sức riêng tư, việc cho thêm người thân, bạn bè, hoặc bà đỡ cùng vào phòng sinh là quyết định của bạn. Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi bạn chuẩn bị danh sách “khách mời”:

  • Không có quyết định nào là đúng hay sai cả. Trong một cuộc thăm dò của BabyCenter, 44% các bà mẹ mang thai cho biết họ không thích có ai khác ngoài chồng và nhân viên y tế trong phòng khi sinh con, trong khi 37% nói rằng họ mang theo người thân và 16% yêu cầu một người bạn có mặt. Chỉ có 3% số người được hỏi yêu cầu có bà đỡ hoặc người hướng dẫn trong phòng sinh.
  • Một số đức ông chồng có thể cảm thấy bối rối về vai trò của họ trong cuộc sinh nở hoặc miễn cưỡng tham gia nếu những người khác cũng có mặt. Nếu bạn có ý định mang người thân hoặc người hướng dẫn vào cùng, hãy đảm bảo rằng chồng bạn cũng đồng ý với kế hoạch ấy.
  • Bạn có thể bị áp lực từ mẹ ruột hay mẹ chồng, những người mong muốn có mặt khi đứa cháu yêu quý ra đời – bất luận ý muốn của bạn trải nghiệm điều này trong riêng tư. Nếu bạn muốn được một mình với chồng, đừng ngại nhờ nhân viên bệnh viện hỗ trợ bạn thực hiện mong muốn của mình và mời thân nhân ra khỏi phòng sinh.
  • Các y tá và nữ hộ sinh làm việc theo ca, vì vậy, nếu bạn muốn ai đó có mặt liên tục, thì người hướng dẫn sinh nở hoặc bà đỡ là một lựa chọn tốt. Thực tế, một số nghiên cứu cho thấy, các sản phụ có bà đỡ trợ giúp có thời gian sinh nở ngắn hơn, biến chứng sinh nở ít hơn, và trẻ sinh ra khỏe mạnh hơn. Bạn cũng nên suy nghĩ nghiêm túc về việc có một bà đỡ bên cạnh nếu bạn dự định sinh tự nhiên không dùng thuốc.

Hoạt động của tuần này

Bạn bè và người thân của bạn thường ghé thăm và giúp đỡ sau khi em bé sinh ra, nhưng nhiều bà mẹ mới sinh quá bận rộn để biết nên chỉ đạo ai làm những việc mình đang cần giúp. Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ:

  • Bất cứ ai đề nghị giúp đỡ bạn trong những tuần mới sinh, hãy ghi tên và số điện thoại của họ.
  • Chọn một người bạn, nhờ người đó thiết lập thời khoá biểu và sắp xếp, điều phối những sự giúp đỡ.
  • Lên một danh sách những đồ lặt vặt cần mua và giao cho một người bạn.
  • Lên lịch và sắp xếp người chăm sóc cho đứa con lớn hơn của bạn.
  • Tìm một người bạn hoặc người hàng xóm giúp bạn đổ rác, dắt chó đi bộ hoặc cho vật nuôi của bạn ăn (nếu có).