Tuần 25

Bé phát triển như thế nào?

Từ đầu đến gót chân, em bé của bạn bây giờ dài khoảng 34cm, nặng 680 gram. Cơ thể bé đã không còn ốm và dài, mà bắt đầu tích mỡ và đầy đặn hơn. Vì thế, làn da nhăn nheo đã bắt đầu căng ra và dần trở nên giống trẻ sơ sinh. Bé cũng phát triển tóc nhiều hơn – và nếu bạn có thể nhìn thấy, bạn sẽ có thể phân biệt được màu sắc và loại tóc của bé lúc này.

Cơ thể em bé đang bắt đầu đầy đặn hơn.

Cơ thể em bé đang bắt đầu đầy đặn hơn.

Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?

Không chỉ có em bé của bạn có lông nhiều – tóc của bạn cũng đang trở nên dày và bóng hơn bao giờ hết. Điều này không phải do bạn mọc tóc nhiều hơn, mà nhờ những thay đổi nội tiết tố khiến tóc lâu rụng hơn bình thường. Hãy tận hưởng mái tóc dày của bạn lúc này vì sau khi sinh con, lượng tóc thừa sẽ rụng bớt.

Bạn cũng có thể nhận thấy mình không thể đi lại duyên dáng như trước. Trừ khi bác sĩ của bạn đã tư vấn cho bạn hạn chế vận động, hãy tiếp tục tập thể dục, nhưng theo một số quy tắc an toàn: Không tập khi bạn đang cảm thấy quá mệt mỏi và dừng lại nếu bạn cảm thấy đau, chóng mặt hoặc khó thở. Không nên nằm ngửa và tránh các môn thể thao có va chạm cũng như bất kỳ bài tập nào dễ khiến bạn mất thăng bằng. Hãy đảm bảo uống nhiều nước, và dành thời gian cho cả hai giai đoạn khởi động và nghỉ cho cơ thể mát mẻ sau khi tập.

Khi bạn có xét nghiệm glucose-sàng lọc ở giai đoạn 24 đến 28 tuần, một xét nghiệm máu có thể được thực hiện cùng lúc để kiểm tra xem bạn có bị thiếu máu không. Nếu xét nghiệm máu cho thấy bạn bị thiếu máu do thiếu sắt (loại phổ biến nhất của thiếu máu), bác sĩ của bạn có thể sẽ khuyên bạn nên bổ sung sắt.

Bạn đã bắt đầu suy nghĩ về tên con chưa? Chọn một cái tên là một quyết định quan trọng, nhưng nó cũng là một niềm vui. Bạn có thể lấy ý tưởng đặt tên từ những người trong gia đình, địa điểm yêu thích, hoặc nhân vật văn học hay phim ảnh. Kiểm tra một vài cuốn sách đặt tên em bé cũng giúp bạn có thêm lựa chọn.

Ba câu hỏi về … tam cá nguyệt thứ ba

Tôi cần gặp bác sĩ bao nhiêu lần trong tam cá nguyệt thứ ba?

Từ 28 đến 36 tuần, bạn sẽ gặp bác sĩ của bạn mỗi hai tuần một lần. Một tháng trước ngày sinh, tần suất sẽ tăng lên mỗi tuần một lần.

Bác sĩ sẽ làm gì trong những lần tôi đến khám?

Hỏi bạn cảm thấy như thế nào về thể chất, tinh thần và theo dõi bất kỳ vấn đề nào được phát hiện trong lần khám trước. Ngoài ra, bác sĩ của bạn sẽ muốn biết bạn có đang gặp các cơn co thắt, chảy máu âm đạo, chảy dịch bất thường; hay bạn có bị đau đầu; và cảm thấy lo lắng hay chán nản không. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào chưa được hỏi.

Hỏi về chuyển động của bé. Bác sĩ sẽ nhắc bạn thông báo ngay nếu bạn cảm thấy em bé trở nên ít hoạt động hơn. Tại một số thời điểm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đếm số chuyển động của bé trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày.

Cân và kiểm tra nước tiểu của bạn xem có các dấu hiệu của tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu, và các vấn đề khác hay không. Đo huyết áp và kiểm tra mắt cá chân, bàn tay, và mặt của bạn có bị sưng không.

Kiểm tra nhịp tim của em bé và làm một bài kiểm tra bụng để ước tính kích thước và vị trí của bé. Bác sĩ sẽ đo khoảng cách giữa xương mu và đầu tử cung của bạn xem tốc độ tăng trưởng của bé có vẻ bình thường không.

Có thể kiểm tra cổ tử cung của bạn. Đừng mong bác sĩ sẽ khám phụ khoa cho bạn mỗi lần bạn đến. Nhiều bác sĩ không khám phụ khoa trừ khi họ có một mối quan tâm cụ thể, chẳng hạn như vấn đề sinh non. Khi bạn đã quá ngày sinh, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung của bạn để giúp quyết định xem có nên (hay khi nào nên) thực hiện các biện pháp sinh sớm.
Cho bạn biết phải đề phòng điều gì. Bác sĩ sẽ cho bạn biết về các dấu hiệu của sinh non và tiền sản giật, và các dấu hiệu cảnh báo khác mà bạn cần thông báo ngay. Khi ngày sinh gần kề, bác sĩ sẽ thảo luận về các dấu hiệu chuyển dạ và cho bạn biết khi nào bạn nên giữ liên lạc với họ.

Giải đáp những thắc mắc của bạn về việc mang thai và sinh nở. Hãy cùng chồng lên một danh sách những câu hỏi và mang đến trong lần khám trước sinh.

Thảo luận về các quyết định sau khi sinh như việc bạn có kế hoạch cho con bú hoặc cắt da quy đầu cho con trai không. Bác sĩ cũng sẽ thảo luận về các biện pháp tránh thai sau khi sinh. Nếu bạn chưa tìm được một bác sĩ cho em bé của mình sau khi ra đời, bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn một vài người.

Tôi cần tiến hành những xét nghiệm nào?

Tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bạn có thể sẽ phải làm các xét nghiệm:

Hematocrit / hemoglobin: Xét nghiệm máu để phát hiện thiếu máu thường được lặp lại trong tam cá nguyệt thứ ba. (Nếu bạn đã được xét nghiệm khi bạn kiểm tra glucose và kết quả là bình thường, bạn có thể không cần lặp lại).

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ: Nếu bạn có kết quả xét nghiệm sàng lọc glucose bình thường trong khoảng giữa 24 và 28 tuần, xem như bạn có thể yên tâm. Nhưng nếu kết quả là bất thường và bạn vẫn chưa thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose, bạn sẽ phải kiểm tra ngay.

Xét nghiệm sàng lọc kháng thể Rh: Nếu bạn có Rh âm tính, xét nghiệm kháng thể sẽ được lặp đi lặp lại (thường là cùng với xét nghiệm glucose) và bạn sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh ở tuần 28. Trong một số trường hợp hiếm hoi, một lượng máu của em bé hòa vào máu của bạn, các globulin miễn dịch Rh sẽ ngăn cơ thể bạn phát triển các kháng thể có khả năng gây nguy hiểm cho em bé sau khi sinh hoặc thậm chí ngay khi còn trong bụng mẹ. (Lưu ý: nếu cha của bé cũng có kết quả xét nghiệm máu có Rh âm tính như bạn, thì bé cũng có Rh âm tính, khi đó bạn sẽ không cần các globulin miễn dịch Rh.)

Các xét nghiệm về bệnh lây truyền qua đường tình dục: Nếu bạn có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung để xem bạn có chlamydia và bệnh lậu không, và xét nghiệm máu để phát hiện bệnh giang mai. Xét nghiệm để phát hiện HIV cũng rất nên thực hiện bởi vì có những cách điều trị giúp giảm đáng kể nguy cơ lây truyền cho em bé.

Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B: được thực hiện trong khoảng giữa 35 và 37 tuần, bạn sẽ được kiểm tra liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) trong âm đạo và trực tràng. Bạn sẽ không được điều trị ngay nếu kết quả là dương tính, vì điều trị sớm không đảm bảo các vi khuẩn sẽ không trở lại. Thay vào đó, bạn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh IV khi sinh nở. (Nếu trước đó bạn đã từng sinh con nhiễm GBS, bạn có thể bỏ qua xét nghiệm này bởi vì chắc chắn bạn sẽ được cho dùng kháng sinh khi sinh nở).

Hồ sơ sinh và kiểm tra sinh lý: Nếu bạn có các biến chứng thai kỳ nào đó hoặc đã qua ngày dự sinh, các xét nghiệm này sẽ được thực hiện để kiểm tra tình trạng của em bé.

Hoạt động của tuần này

Dành thời gian cho chồng bạn trong tuần này. Hãy dành cho anh ấy một bất ngờ lãng mạn. Viết ra tất cả những điều bạn thích về anh ấy, nói với anh ấy tại sao bạn nghĩ rằng anh ấy sẽ là một người cha tuyệt vời, hoặc chỉ cần tay trong tay đi dạo cùng nhau. Dành thời gian để gắn bó cùng nhau cả về thể chất lẫn tình cảm, làm cho các bạn yêu thương nhau hơn. Hãy thử làm điều gì đó ít nhất một lần mỗi tuần để chồng bạn biết tầm quan trọng của anh ấy trong cuộc sống của bạn.